Họa sĩ Bùi Xuân Phái là ai?
Họa sĩ Bùi Xuân Phái (01/09/1920 – 24/06/1988) là một danh họa Việt Nam nổi bật trong nền mỹ thuật nước nhà. Ông nổi tiếng là một người yêu quê hương và có nhiều tác phẩm đóng góp cho sự phát triển mỹ thuật hiện đại của Việt Nam. Nổi bật nhất là những tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội. Chính vì thế, khi nói đến ông, người ta còn dùng cụm từ “Phố Phái”.
Tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái về chủ đề phố cổ gợi ra nỗi nhớ Hà Nội rất đặc biệt. Ông được yêu mến rộng rãi và “bất tử” trong lòng người yêu nghệ thuật nhờ chính tài năng đặc biệt này. Bên cạnh đó, ông còn nổi tiếng với các tranh vẽ về chủ đề sân khấu, chân dung và khỏa thân.
Vài nét về tiểu sử và cuộc đời của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái
Danh họa Bùi Xuân Phái quê gốc ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ. Đó là một làng nổi tiếng với sản phẩm tranh khắc gỗ dân gian Kim Hoàng. Gia đình ông thuộc nhóm tiểu tư sản trung lưu.
Ông tốt nghiệp khóa 1941–1945 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khoa Hội họa. Họa sĩ Bùi Xuân Phái đã tham gia kháng chiến, dự triển lãm ở nhiều nơi.
Năm 1952, ông về Hà nội và sống tại nhà ở địa chỉ 87 Phố Thuốc Bắc cho đến khi qua đời. Cũng vì thế mà ông thuộc lòng mọi con đường, ngõ ngách của phố phường Hà Nội. Từ năm 1956 – 1957, ông tham gia giảng dạy tại Trường Mỹ thuật Hà Nội. Cho đến khi phong trào Nhân văn Giai phẩm diễn ra, ông phải đi học tập và lao động tại một xưởng mộc ở Nam Định. Do đó, họa sĩ đã dừng giảng dạy tại trường Mỹ thuật.
Sự nghiệp hội họa của Bùi Xuân Phái
Ông là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Danh họa Bùi Xuân Phái cùng với Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm là những người ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Ông chuyên sáng tác tranh chất liệu sơn dầu, theo đuổi đề tài về phố cổ Hà Nội. Tranh phố của ông làm rõ cái hồn của phố cổ Hà Nội cổ kính mà hiện thực trong thập niên 50 – 70. Ngắm tranh phố cổ của họa sĩ, người xem cảm nhận được sự hoài niệm, nỗi buồn man mác, cùng bâng khuâng tiếc nuối trên mỗi nét vẽ.
Bên cạnh đó, tranh của ông cũng rất thành công khi thể hiện đề tài chèo, nông thôn, chân dung, khỏa thân, tĩnh vật,… Ông vẽ trên nhiều chất liệu như giấy, vải, gỗ, thậm chí là giấy báo. Họa sĩ Bùi Xuân Phái không chỉ dùng sơn dầu mà còn sử dụng phấn màu, màu nước, chì than, bút chì,… Tranh của ông ẩn chứa tính cách nhân bản, hài hước, yêu tự do, nhưng cũng thấm đậm sự bi ai và khốn khổ.
Tham gia phong trào Nhân văn Giai phẩm, hoạt động của ông cũng theo đó mà hạn chế dần. Nên ông phải vẽ tranh hài hước, tranh minh họa cho các báo với bút hiệu ViVu, PiHa và Ly. Năm 1984, ông đã mở cuộc triển lãm cá nhân duy nhất của mình. So với trước đó, triển lãm của họa sĩ Bùi Xuân Phái được nhận xét là thành công nhất. Dù cuộc sống khó khăn, nhưng ông đã gạt bỏ những toan tính đời thường để vẽ ra các tác phẩm đơn giản mà sâu lắng.
Một số tác phẩm chính của danh họa Bùi Xuân Phái
- Tranh sơn dầu: Phố cổ Hà Nội (1972)
- Tranh sơn dầu: Hà Nội kháng chiến (1966)
- Tranh sơn dầu: Xe bò trong phố cổ (1972)
- Tranh sơn dầu: Phố vắng (1981)
- Tranh sơn dầu: Hóa trang sân khấu chèo (1968)
- Tranh sơn dầu: Sân khấu chèo (1968)
- Tranh sơn dầu: Vợ chồng chèo (1967)
- Tranh: Trước giờ biểu diễn (1984)
- Tranh: Ngõ Phất Lộc
Giải thưởng mỹ thuật của họa sĩ Bùi Xuân Phái
Với sự cống hiến của mình, ông đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Một số giải thưởng tiêu biểu của ông là:
- Giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực Văn học – Nghệ thuật (1996).
- Giải thưởng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1946 và 1980).
- Giải thưởng Leipzig (Đức).
- Giải thưởng Mỹ thuật Thủ đô (1969, 1981, 1983 và 1984).
Tặng thưởng
Năm 1997, danh họa Bùi Xuân Phái đã được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.
Vinh danh
Tên của cố họa sĩ được đặt cho một con đường tại khu đô thị mới Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Ngoài ra, tại phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới (Quảng Bình) và quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng có con đường mang tên ông.
Quan điểm sáng tác của danh họa Bùi Xuân Phái
Ông nhận định vẽ không phải là chép, mà cũng không phải là đo cho chính xác. Người họa sĩ sẽ kết hợp trí tuệ và cảm xúc để phân tích thực tế. Sau đó, thông qua óc tưởng tượng để chuyển sang phần hội họa. Nếu quá đặt nặng vấn đề ghi chép sao cho đúng thì bức tranh sẽ thiếu tính chất hội họa. Yếu tố này nên thuộc về nhiếp ảnh.
Phần sáng tạo của người họa sĩ là yếu tố cốt lõi nói lên cái đẹp của bức tranh. Chính vì thế, người ta thấy tranh “Phố Phái” quen mà lạ. Quen vì nó khiến ta nhanh chóng nhận ra cảnh phố thực. Còn lạ vì cái thực ấy được thể hiện theo góc nhìn thông qua lăng kính của “Phái”. Tình cảm sâu đậm và phong cách đặc trưng, ông đã tường thuật lại nhiều vẻ đẹp về đời sống của người Việt Nam trên từng khu phố trong thế kỷ 20.
Google vinh danh họa sĩ Bùi Xuân Phái nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh
Ngày 01/09/2019, giao diện Google Doodle đã sử dụng hình ảnh về cố họa sĩ nhằm vinh danh ông. Họa sĩ Bùi Xuân Phái là nhân vật thứ 2 của Việt Nam được Google vinh danh. Trước đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh.
Sự kiện này của Google nhằm vinh danh người họa sĩ có nhiều thành tựu cống hiến cho quê hương và những người yêu Hà Nội. Ông đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của mỹ thuật hiện đại của nước ta.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái là một trong những tên tuổi kinh điển của ngành hội họa Việt Nam. Chính tình yêu quê hương, yêu Hà Nội của ông qua những bức tranh đã góp phần làm phố cổ nước ta nổi danh khắp thế giới. Hy vọng, những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về người họa sĩ tài năng này.
Nguồn: https://thosuaxe.info/
Xem thêm:
- Else Lasker-Schüler: Tiểu sử và những cống hiến trong nghệ thuật
- Amrita Pritam: Nữ nhà văn người Punjabi được Google vinh danh
- Hiệp sĩ John Tenniel: Danh họa tài ba được Nữ hoàng Anh vinh danh
- Jaan Kross là ai? Cây cổ thụ của nền văn học đem lịch sử vào trang sách
- Timothée Chalamet – Từ chàng thơ tới một người đàn ông trưởng thành