Cách gói bánh chưng vuông, đẹp cực dễ cho người mới học

Bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán của dân tộc. Cách gói bánh chưng Tết bằng lá dong không quá khó nhưng cũng đòi hỏi nhiều sự khéo léo và kỹ năng của người đứng bếp. Để nắm được những bí quyết cho ra được thành phẩm là chiếc bánh chưng vuông vức, xanh, rền thì bạn đọc hãy tham khảo ngay thông tin hướng dẫn dưới đây.

“Gói bánh trưng” hay “gói bánh chưng”?

“Bánh chưng” là từ chuẩn chính tả, nhưng rất nhiều người nhầm lẫn là “bánh trưng”, “gói bánh trưng”. Sự tích về bánh chưng được chép trong sách Lĩnh Nam chích quái, do Trần Thế Pháp sưu tập, ghi lại từ thế kỷ XIV. “Chưng” là từ Hán – Việt, có nghĩa gốc là hơi nóng hoặc hơi nước bốc lên, mô tả hình ảnh nấu bánh. Từ đó, chưng có nghĩa là đun, hấp làm chín thực phẩm bằng hơi nước.

Bánh chưng - món ăn “quốc hồn” của dân tộc Việt dịp Tết Nguyên đán
Bánh chưng – món ăn “quốc hồn” của dân tộc Việt dịp Tết Nguyên đán

Tuy nhiên, do cách đọc hoặc sự hiểu nhầm, vẫn có nhiều người lầm tưởng bánh chưng là bánh trưng, dẫn tới cách phát âm, dùng từ sai chính tả.

Cách gói bánh chưng vuông chuẩn vị Tết

Bánh chưng là sự hòa quyện của gạo, thịt, đỗ xanh được gói trong lớp lá dong xanh. Khi bánh chín sẽ có hương thơm từ lá dong, gạo, đỗ, thịt,… tạo hương vị đặc trưng, không thể thiếu của ngày Tết truyền thống.

Nguyên liệu gói bánh chưng

Trong các bước của cách làm bánh chưng, chuẩn bị nguyên liệu là công đoạn rất quan trọng. Theo đó, khi bắt tay vào làm khoảng 10 cái bánh chưng, cần chuẩn bị sẵn sàng các nguyên liệu gồm: 4kg gạo nếp, 1kg đỗ xanh, 1kg thịt ba chỉ, 40 – 50 lá gói bánh chưng (lá dong), 2 bó dây lạt buộc, gia vị (muối, tiêu, gừng) và khuôn gói bánh (nếu gói bằng khuôn).

Chuẩn bị sẵn nguyên liệu để gói bánh chưng Tết
Chuẩn bị sẵn nguyên liệu để gói bánh chưng Tết

Sơ chế nguyên liệu

– Ngâm gạo nếp trước khi gói bánh khoảng 2 tiếng, sau đó vo sạch và trộn đều với 1 thìa cafe muối.

– Ngâm đỗ xanh trong nước 2 tiếng cho nở ra, sau đó vo sạch, để ráo nước. Tiếp theo, trộn đỗ với 1 thìa cafe muối rồi cho vào nồi hấp (đồ) cho đỗ chín mềm. Sau đó, lấy muỗng đánh nhuyễn, nắm đỗ thành từng nắm vừa tay.

– Rửa sạch thịt, thái thành miếng dày khoảng 1 – 2cm, dài khoảng 5 – 6cm rồi ướp với muối và hạt tiêu.

– Rửa sạch 2 mặt lá dong, lấy khăn lau cho khô, để ra chỗ thoáng để khô hẳn. Tiếp theo, dùng dao cắt sống lá (cắt sát vào lá nhưng không cắt quá sâu để tránh làm rách lá).

*Mẹo giúp bánh chưng xanh hơn: Giã nhỏ lá riềng với nước, trộn với gạo nếp trước khi gói bánh. Khi chín, bánh sẽ có màu xanh từ vỏ tới nhân.

Cách gói bánh chưng vuông

Hướng dẫn gói bánh chưng bằng tay

– Bước 1: Đặt 2 lá dong to, không rách vuông góc với nhau, mặt màu xanh đậm úp xuống dưới. Sau đó, đặt tiếp 2 lá nữa vuông góc với nhau nhưng mặt màu xanh đậm hướng lên trên. Việc này nhằm mục đích khi gói bánh lại thì phần mặt ngoài bánh sẽ có màu xanh đẹp, phần mặt trong bánh cũng xanh hơn, khi bóc bánh không bị dính.

Quy trình gói bánh chưng bằng tay đơn giản
Quy trình gói bánh chưng bằng tay đơn giản

Xem thêm: Năm 2021 là năm con gì? Mệnh, hướng nào hợp với năm 2021?

– Bước 2: Cho 1 bát gạo vào giữa phần lá đã xếp, lấy 1 nửa nắm đỗ cho lên trên chỗ gạo, ấn nhẹ tạo độ trũng rồi đặt 1 – 2 miếng thịt vào giữa phần đỗ. Sau đó, úp nửa phần đỗ còn lại lên trên miếng thịt. Cuối cùng, đổ 1 bát gạo nếp vào, dùng tay san ra sao cho gạo phủ kín phần nhân đỗ và thịt.

– Bước 3: Dùng tay gấp phần lá dong bên trái và bên phải thật chắc tay, giấu phần mép lá thừa vào trong hoặc cắt đi. Sau đó, bóp 2 bên mép đầu và cuối bánh, gấp lại, vừa gấp vừa vỗ nhẹ để bánh vuông vắn hơn. 

– Bước 4: Buộc 2 lạt song song với nhau để bánh chặt và lá không bị bung. Cuối cùng, buộc tiếp 2 lạt vuông góc với 2 lạt trên, phần lạt thừa thì cuốn lại, cài vào cho gọn, dùng tay ấn 4 góc của bánh chưng để bánh chặt và vuông hơn.

Hướng dẫn gói bánh chưng bằng khuôn

– Bước 1: Xếp 4 lá dong. Xếp lá bằng cách gấp mép dưới lên, gấp mép trái qua tạo đường nếp cho lá. Thực hiện thao tác tương tự với 3 miếng lá còn lại. Sau đó, đặt 4 lá xuống dưới khuôn, đổ gạo nếp lên trên.

Chi tiết cách gói bánh chưng bằng khuôn
Chi tiết cách gói bánh chưng bằng khuôn

– Bước 2: Rải đều gạo nếp ở 4 góc khuôn, để trũng ở giữa. Sau đó, cho đậu xanh vào, để thịt lên rồi đổ đậu xanh lên trên. Tiếp theo, rải gạo nếp lên trên, phủ lại, cố gắng để lượng gạo và đậu xanh ở trên – dưới đồng đều với nhau.

– Bước 3: Gói bánh và dùng dây lạt buộc lại. Người thực hiện chú ý là không buộc quá chặt vì trong quá trình nấu nướng bánh có thể nở ra, tránh bị căng quá sẽ ảnh hưởng tới sự vuông vức của chiếc bánh.

Luộc bánh chưng

– Bước 1: Lót cuống lá dong vào dưới đáy nồi gang dùng để luộc bánh. Việc này sẽ tránh nguy cơ bánh bị dính sát với đáy nồi.

– Bước 2: Đặt bánh vào nồi, đổ nước ngập mặt bánh. Thời gian luộc bánh khoảng 10 – 12 tiếng liên tục. Trong quá trình luộc, khi nước cạn thì châm thêm nước sôi vào kịp thời để bánh được chín đều.

Luộc bánh chưng đúng cách để bánh thơm, rền, ngon
Luộc bánh chưng đúng cách để bánh thơm, rền, ngon

– Bước 3: Khi đủ thời gian, bánh chín thì vớt ra, rửa với nước lạnh. 

– Bước 4: Để bánh ráo nước rồi dùng vật nặng đè lên bánh để ép nước ra, giúp bánh không bị nhão và có thể bảo quản được lâu hơn. Nên ép bánh trong khoảng 5 – 8 tiếng.

Khi các công đoạn làm bánh chưng hoàn tất, các gia đình có thể bảo quản bánh ở ngoài trời (điều kiện thời tiết lạnh của miền Bắc) hoặc trong ngăn mát tủ lạnh. 

Một số lưu ý quan trọng:

– Khi luộc bánh nên xếp bánh thành các tầng chồng lên nhau, ngay ngắn và chặt để bánh được giữ cố định. Việc này phòng trường hợp nước sôi có lực đẩy khiến bánh bị xô, đẩy và bị vỡ.

– Khi nồi bánh chưng đã sôi thì giảm lửa, chỉ để lửa cháy liu riu trong suốt quá trình luộc.

Trên đây là cách gói bánh chưng đơn giản, dễ thực hiện cho những người chưa từng làm. Bạn có thể học theo hướng dẫn trên và xắn tay vào bếp làm bánh chưng nhân dịp Tết Nguyên đán này nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.